Những thành tựu y học trong môi trường không trọng lượng
Hiện nay, tại Trạm Vũ trụ quốc tế ISS có 3 phòng thí nghiệm y sinh học lớn của Mỹ, Nga và liên minh châu Âu đang hoạt động. Trong đó phải kể đến phòng thí nghiệm vô cùng hiện đại Columbus của châu Âu trị giá hơn 2 tỉ USD. Theo giải thích của TS. Thomas Reiter - một nhà du hành vũ trụ châu Âu đồng thời là chuyên viên tại Trung tâm hàng không vũ trụ Đức: “Một trong những cuộc nghiên cứu mà Columbus đang tiến hành là xem xét những tác động của tình trạng không trọng lượng đối với hệ miễn dịch. Việc hiểu biết cơ chế làm thế nào mà tình trạng không trọng lượng tác động lên hệ miễn dịch có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển những chiến lược mới chống lại bệnh tật”.
Quả thật, đối với giới khoa học, điều kiện không trọng lượng trên vũ trụ đã cung cấp một môi trường ưu việt cho rất nhiều nghiên cứu y học không thể thực hiện được ở môi trường bình thường. Ví dụ, một loại ký sinh trùng sinh trưởng trong hoa cỏ thường là nguyên nhân gây ra bệnh đường ruột ở con người, cũng là một trong những nguyên nhân gây mất nước, dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Trên môi trường trái đất, người ta vẫn chưa thể nuôi cấy được loại ký sinh trùng này trong phòng thí nghiệm.
Môi trường không trọng lượng trên vũ trụ tạo ra những điều kiện mới để nghiên cứu y dược học.
Nhưng trong một thí nghiệm phối hợp nghiên cứu trên không gian giữa Viện Nghiên cứu vệ sinh quốc gia Mỹ NIH và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, họ đã nuôi cấy thành công loại ký sinh trùng này. Thành quả đó đã cung cấp những cơ sở mới cho việc điều trị loại bệnh này. Ngoài ra, các nhà khoa học Mỹ còn nuôi cấy thành công HIV - virut gây bệnh AIDS trong thiết bị phản ứng sinh học vũ trụ. Vì chúng sinh trưởng rất nhanh nên đã mở ra một con đường mới cho việc nghiên cứu loại bệnh nan y này. Hơn nữa cũng tạo cơ hội cho giới khoa học quan sát toàn diện khả năng của virut.
Từ nghiên cứu môi trường vũ trụ, nhiều phát minh, sáng chế độc đáo phục vụ y học cũng đã ra đời. Trong số đó phải kể đến phát minh xương nhân tạo được làm bằng vật liệu vi trọng lượng của Công ty công nghệ sinh học Amgen (Mỹ). Đây là một trong những công ty hàng đầu thế giới đang tiến hành các công trình nghiên cứu thí nghiệm công nghệ sinh học tế bào ứng dụng trong lâm sàng trên vũ trụ. Quá trình nghiên cứu đã cho các nhà khoa học ở Amgen một gợi mở: Sử dụng một loại vật liệu sứ đặc biệt được tạo ra trong môi trường không trọng lượng, rất giống với chất xương tự nhiên lại có thể dung hợp được với cơ thể người để làm xương nhân tạo.
Các nhà khoa học Mỹ trong môi trường không trọng lượng trên tàu vũ trụ KC-135 đã phát hiện được loại vật liệu này. Nó được tạo ra nhờ kỹ thuật lợi dụng những sóng âm thanh không nhìn thấy trong môi trường không trọng lượng để khống chế các chất tan trôi nổi trong không gian. Hiện nay, những sản phẩm xương nhân tạo đầu tiên được tạo ra bằng cách này đang trong quá trình thử nghiệm trên cơ thể người để xác định độ bền và sự tiếp nhận của cơ thể.
Khai thác sản phẩm phân tử vũ trụ để bào chế dược phẩm
Ngoài tận dụng môi trường không trọng lượng để phát triển y học, các nhà khoa học cũng đang tích cực khai thác các sản phẩm phân tử từ vũ trụ phục vụ cho việc nghiên cứu, bào chế ra các loại dược phẩm mới. Như chúng ta đã biết, trong vũ trụ, các vi sinh vật có thể sinh trưởng nhanh chóng và tạo ra những biến dị tương đối lớn, khi đem các mẫu vi sinh vật lên trạm không gian, tỷ lệ biến dị của chúng cao gấp vạn lần, thậm chí mấy chục vạn lần trên trái đất. Trong số này, có những biến dị khiến vi sinh vật có những khả năng trị liệu đối với một số bệnh. Chính vì thế, các nhà khoa học đã lợi dụng điều này để sản xuất các tổ chức sinh trưởng trong các thiết bị phản ứng sinh học trên vũ trụ và sử dụng chính các tổ chức sinh trưởng này để điều chế, sản xuất các loại dược phẩm điều trị mới cũng như các kháng sinh mới.
Trung tâm nghiên cứu khoa học CBSE của Mỹ đang lợi dụng môi trường vũ trụ tiến hành các nghiên cứu kết cấu phân tử sinh vật để sản xuất dược phẩm và protein dạng phân tử. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, trong điều kiện trọng lực yếu trong không gian, tinh thể protein có thể sinh trưởng nhanh hơn nhiều trên trái đất về thể tích và kích thước. Hơn nữa, chúng có kết cấu hoàn thiện hơn và khỏe hơn. Vì vậy, có thể tiến hành phân tích đối với chúng thuận tiện hơn.
Hiện, ở trong một số con tàu vũ trụ và trạm không gian của Mỹ, Nga, người ta cũng đã sử dụng “thiết bị điều khiển quá trình kết tinh trong môi trường trọng lực yếu” (DCAM) để sản xuất ra được những tinh thể protein tương đối lớn, có đặc trưng hình thái học mới (hình thức và kết cấu mới) và là những tinh thể có kết cấu hoàn thiện và phẩm chất cao. Việc sản xuất ra protein như vậy đã mở ra hướng nghiên cứu mới cho sản xuất các dược phẩm mới. Đồng thời, qua nghiên cứu tinh thể protein này có thể khám phá được sâu sắc hơn rất nhiều bí mật của các axit amin, ví dụ như mối quan hệ giữa kết cấu và công năng của nó từ đó tìm ra được bí mật của protein, axit amin và một số loại virut đối với sức khỏe và cuộc sống của con người.
Anh Thư(Tổng hợp)
Đăng tin Ks Nguyễn Đào