Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng vẫn còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em và tử vong sơ sinh giữa các vùng, miền. Tử vong sơ sinh vẫn còn cao, chiếm đến 62% số tử vong trẻ em dưới 1 tuổi. Tốc độ giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em trong những năm gần đây đã có xu hướng chậm lại, nếu không có những giải pháp quyết liệt và đầu tư thỏa đáng thì sẽ khó có thể duy trì được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em trong những năm tiếp theo như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Tuy tỷ suất tử vong mẹ và tử vong sơ sinh đã giảm mạnh, nhưng ước tính mỗi năm ở tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn trường hợp tử vong mẹ và khoảng 20 - 30 trường hợp tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân cũng như chất lượng dịch vụ vẫn còn nhiều hạn chế. Phong tục tập quán lạc hậu, hiểu biết trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng xa, miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều mặt khiếm khuyết. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt ở một số bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh. Nhân lực chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa còn rất thiếu, nhất là tại tuyến huyện, tỷ lệ bác sĩ đa khoa làm công tác sản khoa và nhi khoa khá lớn. Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, theo dõi, tiên lượng, xử trí cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Bên cạnh đó, còn có biểu hiện chủ quan, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu, hồi sức sản phụ, sơ sinh khi có tai biến xảy ra.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
- Quyết định số 1125/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020;
- Chỉ thị số 06/CT-BYT, ngày 11 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh;
- Quyết định số 305/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.
III. MỤC TIÊU:
3.1. Mục tiêu chung:
Trong năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục duy trì bền vững công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) về mọi mặt, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu về CSSKSS, giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và trẻ em. Khắc phục các tồn tại cơ bản, tiếp tục ưu tiên cho các vùng sâu vùng xa và các vùng khó khăn, đáp ứng với điều kiện phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về Chăm sóc SKSS giai đoạn 2011 – 2020, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030 và duy trì bền vững Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ - trẻ em vào giai đoạn 2017-2020.
3.2. Các chỉ tiêu:
3.2.1. Nhóm chỉ tiêu về sức khỏe bà mẹ:
- Tỷ lệ tử vong mẹ trong toàn tỉnh dưới mức 15/100.000 trẻ sinh sống;
- Trên 90% phụ nữ đẻ được khám thai 3 lần đúng 3 thời kỳ, đúng quy trình.
- Tỷ lệ phụ nữ được sinh tại các cơ sở y tế trên 99%.
- Tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ trên 99,5%.
- Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh trên 99%.
- Giảm tỷ lệ nạo hút thai dưới 22% so với trẻ đẻ sống.
3.2.2. Nhóm chỉ tiêu về sức khỏe trẻ em:
- Giảm tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh từ dưới 7 ‰.
- Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi từ dưới 5 ‰.
- Giảm tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi từ dưới 15 ‰.
- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai dưới 2,2%.
- Từ 90% trở lên số trẻ được bú mẹ trong giờ đầu sau sinh.
- Từ 20% trở lên số trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm với cân nặng theo tuổi 0,5%, chiều cao theo tuổi từ 0,5 - 0,7 %.
IV. CÁC HOẠT ĐỘNG:
4.1. Hoạt động tổ chức và quản lý:
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức của mạng lưới CSSKSS, tuyển dụng bổ sung và đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ CSSKSS về quản lý và chuyên môn kỹ thuật. Phát huy vai trò chỉ đạo tuyến trước hiệu quả hơn. Bố trí thường xuyên cán bộ có chuyên môn sản khoa trong khám bệnh, chữa bệnh hàng ngày và các kíp trực để chủ động, sẵn sàng, kịp thời giải quyết cấp cứu các trường hợp tai biến sản khoa, hồi sức sơ sinh theo đúng qui trình chuyên môn, nhất là các trường hợp xảy ra ngoài giờ hành chính, những ngày nghỉ.
- Các cơ sở khám chữa bệnh tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Tuân thủ nghiêm qui chế bệnh viện, qui trình chuyên môn theo qui định của Bộ Y tế.
- Bố trí phòng ốc, trang thiết bị phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị và theo phân tuyến kỹ thuật chuyên môn nhằm đáp ứng tốt nhất cho công tác khám chữa bệnh, tăng cường phát huy sử dụng trang thiết bị đã được trang cấp.
- Các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, thị xã, thành phố rà soát, bổ sung để thực hiện thành lập đơn nguyên sơ sinh và góc sơ sinh tại các tuyến theo Quyết định số 1142/QĐ-BYT của Bộ Y tế qui định. Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa khoa sản và khoa nhi trong công tác cấp cứu sản khoa, nhi khoa để giảm thiểu tai biến sơ sinh.
- Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố rà soát lại những Trạm Y tế trong vòng 3 năm trở lại đây không sinh, nhất là Trạm Y tế gần các bệnh viện, phòng khám tuyến trên thì tạm thời không triển khai công tác đỡ đẻ để tăng cường đáp ứng các điều kiện cần thiết cho những Trạm Y tế có nhu cầu sinh tại Trạm Y tế về nhân lực, trang thiết bị và đào tạo lại cán bộ nhằm khắc phục kịp thời trong thời gian sớm nhất.
- Thực hiện thống nhất mẫu phiếu khám thai, đối với các huyện có chương trình Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em để tăng cường quản lý thai nghén, nhất là những bà mẹ là đối tượng nguy cơ có tai biến. Tư vấn cho các bà mẹ biết qui trình khám thai, sử dụng phiếu khám thai đúng qui định và khi đi sinh phải trình phiếu khám thai để các tuyến cập nhật thông tin trong quá trình theo dõi, quản lý thai liên tục và tuyến trên phản hồi cho tuyến dưới về việc quản lý đối tượng trên địa bàn theo Bộ Y tế qui định.
- Thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh công lập, tư nhân trên địa bàn. Rà soát giấy phép hoạt động, phạm vi chuyên môn, điều kiện và năng lực thực tế về chăm sóc, cấp cứu sản khoa và sơ sinh.
- Thiết lập, vận hành “Đường dây nóng về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa” tại các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện để xử trí, hỗ trợ cấp cứu nội viện, ngoại viện kịp thời.
4.2. Hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em:
- Tiếp tục tăng cường công tác khám và quản lý thai sản theo qui định của “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” ban hành năm 2016, chú trọng tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai được khám, quản lý thai sản 3 tháng đầu của thai kỳ, thông qua nâng cao chất lượng kỹ thuật của tuyến cơ sở: áp dung siêu âm chẩn đoán, theo dõi thai sản, các xét nghiệm nước tiểu, HCG..., tăng cường hoạt động truyền thông cộng đồng của mạng lưới y tế thôn bản. Chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo cho các bà mẹ mang thai lựa chọn nơi sinh hợp lý an toàn, đặc biệt vào các mùa bão, lụt.
- Thực hiện chăm sóc thiết yếu toàn diện (mổ đẻ và truyền máu), ưu tiên các nội dung về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh. Tăng cường khám, chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh trong tuần đầu và 42 ngày sau sinh. Chủ động phát hiện và can thiệp sớm các trường hợp bệnh lý ở bà mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai, triển khai áp dụng qui trình chuyên môn “Người đỡ đẻ có kỹ năng – SBA” và chuẩn hóa kỹ năng chăm sóc thiết yếu trong và sau đẻ tại các tuyến; duy trì thường xuyên công tác phẫu thuật cấp cứu sản khoa tại các tuyến, đặc biệt công tác cấp cứu sản khoa trong mùa mưa bão.
- Tăng cường công tác tư vấn và tổ chức khám, dự phòng và sàng lọc trước sinh cho các cặp vợ chồng, các bà mẹ mang thai để phòng ngừa và phát hiện sớm các dị tật, bệnh lý ở thai nhi, nhằm tư vấn các giải pháp can thiệp kịp thời.
- Nâng cáo chất lượng hoạt động chăm sóc, điều trị sơ sinh của Đơn nguyên sơ sinh, trong đó chú trọng việc tiên lượng và chủ động phối hợp Sản - Nhi trong sơ cấp cứu trẻ sơ sinh, cũng như công tác chuyển tuyến an toàn các trường hợp sơ sinh bệnh lý, xây dựng và triển khai góc sơ sinh tại các TYT có tổ chức sinh tại trạm.
- Các đơn vị khám chữa bệnh thực hiện tốt việc chăm sóc, theo dõi sản phụ và trẻ sơ sinh ngày đầu, và tuần đầu sau đẻ, đặc biệt là theo dõi tích cực trong 6 giờ đầu sau đẻ nhằm phát hiện sớm những bất thường của cả mẹ và con để xử trí kịp thời. Bảo đảm cho trẻ sơ sinh được tiêm vitamin K1, tiêm vắc xin phòng viêm gan B và các loại vắc xin khác thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
4.3. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và tư vấn:
- Xây dựng và triển khai đa dạng hoá các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về lĩnh vực CSSKSS, trong đó chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe trước sinh, phòng ngừa dị tật bẩm sinh, chương trình nuôi dưỡng trẻ nhỏ,....Trong đó, cần đẩy mạnh và hiệu quả các mô hình truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Đặc biệt chú trọng đối tượng vị thành niên có thai, người cao tuổi và người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biển, ven biển, đầm phá.
- Ở những vùng sâu, vùng xa có mức sinh, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh còn cao, tập trung truyền thông về KHHGĐ, làm mẹ an toàn, chăm sóc sơ sinh và trẻ em. Tập trung truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, lây truyền qua đường tình dục và HIV, hạn chế phá thai, thực hiện phá thai an toàn.
- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tư vấn đối với bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là bà mẹ mang thai, Tiếp tục duy trì các phòng tư vấn tại tất cả cơ sở y tế cung cấp dịch vụ CSSKSS, tăng cường truyền thông giáo dục lồng ghép về CSSKSS Tình dục - Giới - Nam học - Phòng chống bạo lực gia đình, phòng ngừa và phát hiện các dị tật bẩm sinh có hướng xử trí kịp thời góp phần nâng cao chất lượng dân số.
4.4. Hoạt động dịch vụ kế hoạch hoá gia đình và phá thai an toàn:
- Tiếp tục duy trì đa dạng hoá việc cung cấp các biện pháp tránh thai tại các tuyến. Phối hợp Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức tốt các chiến dịch Truyền thông lồng ghép DS-SKSS, trong đó chú trọng triển khai các đội dịch vụ SKSS-KHHGĐ lưu động để đáp ứng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đầm phá, vạn đò, ven biển.
- Tăng cường năng lực cho cán bộ cung cấp dịch vụ CSSKSS về thực hiện các kỹ thuật phá thai, KHHGĐ để đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn, chất lượng tại các tuyến, thông qua đào tạo, cập nhật, giám sát hỗ trợ và cầm tay chỉ việc. Tăng cường công tác tư vấn sau phá thai để tăng tỷ lệ áp dụng các BPTT, giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.
V. TỔ CHỨC, THỰC HIỆN
5.1. Đối với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản:
- Sở Y tế giao Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch và tổ chức lồng ghép các hoạt động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh vào kế hoạch chăm sóc sức khỏe sinh sản hằng năm tại địa phương.
- Tổng hợp tình hình trên địa bàn tỉnh để tham mưu xây dựng kế hoạch hằng năm trình Sở Y tế phê duyệt các nội dung hoạt động, kinh phí thực hiện, bao gồm các hoạt động chuyển tiếp để đảm bảo tính liên tục của các can thiệp.
- Tham mưu kiện toàn Ban thẩm định tử vong mẹ tỉnh để tiến hành thẩm định, hồi cứu các ca tử vong mẹ, tai biến sản khoa trên địa bàn tỉnh để xác định nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng, qua đó chấn chỉnh việc thực hiện quy trình kỹ thuật, đề xuất giải pháp và rút kinh nghiệm chuyên môn để thông báo các cơ sở thực hiện.
- Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, phân công cán bộ bám sát địa bàn để theo dõi, quản lý những bà mẹ mang thai có nguy cơ cao và nắm thông tin sớm nhất về diễn biến tình hình tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh theo đường dây nóng để báo cáo Sở Y tế có những biện pháp xử lý.
- Phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh và các đơn vị liên quan để tăng cường truyền thông tại cộng đồng về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
5.2. Các đơn vị cung cấp dịch vụ CSSKBMTE (gồm Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện, phòng khám tư nhân trên địa bàn):
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, công các phẫu thuật cấp cứu và chăm sóc người bệnh toàn diện trong theo dõi, điều trị các trường hợp sản khoa.
- Xây dựng kế hoạch phòng chống tai biến sản khoa, trong đó đảm bảo các kíp phẫu thuật cấp cứu sản khoa để kịp thời phối hợp và xử trí các trường hợp chuyển tuyến của các cơ sở tuyến dưới và thông tin kịp thời các trường hợp tai biến, tử vong,.. về Sở Y tế và Trung tâm CSSKSS để có giải pháp khắc phục.
- Xây dựng cơ chế thu hút nhân lực, ưu tiên đào tạo chuyên khoa sản, nhi để đáp ứng thường qui các kíp khám chữa bệnh, cấp cứu hồi sức tại khoa sản, khoa nhi.
- Thiết lập, vận hành “Đường dây nóng về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa” và báo cáo theo đúng quy định.
5.3. Đối với Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố:
- Chỉ đạo Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản: kiểm tra và nắm vững danh sách các bà mẹ mang thai, bà mẹ mang thai có nguy cơ cao để chỉ đạo kế hoạch cụ thể cho từng xã/phường/thị trấn về quản lý thai sản; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tổ chức giám sát, hồi cứu các trường hợp tai biến sản khoa tại các Trạm Y tế, xác định nguyên nhân, đánh giá việc thực hiện quy trình kỹ thuật, để rút kinh nghiệm và có những biện pháp khắc phục.
- Đối với những trường hợp sản phụ có diễn biến nặng chuyển viện, những tai biến sản khoa và những trường hợp tử vong thì phải thông tin sớm nhất về Trung tâm CSSKSS và Sở Y tế để kịp thời theo dõi và hỗ trợ xử lý.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật, công các phẫu thuật cấp cứu và chăm sóc người bệnh toàn diện trong theo dõi, điều trị các trường hợp sản khoa; Tổ chức rà soát tình hình thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện hồi sức tại khoa sản và bố trí nhân lực để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
- Tổ chức các kíp trực theo phân cấp, bố trí các kíp trực có bác sỹ chuyên khoa sản, nhi hoặc có kế hoạch hỗ trợ chuyên môn kịp thời đối với những kíp trực không có bác sỹ chuyên sản, nhi; tổ chức các đội cấp cứu lưu động để sẳn sàng hỗ trợ cho các Trạm Y tế khi có nhu cầu. Khi cần chi viện hoặc chuyển viện thì liên hệ tuyến trên để xử lý và thông tin kịp thời các trường hợp tai biến, tử vong,.. về Sở Y tế và Trung tâm CSSKSS để có giải pháp khắc phục.
- Xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống tai biến sản khoa, chăm sóc sức khỏe sinh sản của đơn vị, trong đó chú trọng với trường hợp khẩn cấp xảy ra như lũ quét, động đất,… không thể vận chuyển sản phụ kịp thời được thì cần xây dựng phương án dự phòng với phương châm 4 tại chổ và phải đảm bảo có cán bộ y tế thôn bản/tổ/khu phố hoặc cán bộ y tế xã/phường có dụng cụ đỡ đẻ đảm bảo vô khuẩn, có gói đẻ sạch để thực hiện cuộc sinh tại chổ, cũng như phương tiện vận chuyển thô sơ, phù hợp với tình hình.
- Thiết lập, vận hành “Đường dây nóng về xử trí cấp cứu tai biến sản khoa”; Cử cán bộ đầu mối để theo dõi các ca tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh và báo cáo theo đúng quy định.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Hàng năm các đơn vị xây dựng kế hoạch kinh phí hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó ưu tiên các nội dung nhằm giảm tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách của đơn vị, nguồn xã hội hóa và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.
Sở Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện các nội dung trên và báo cáo kết quả thực thiện 6 tháng, 12 tháng về Sở Y tế, Trung tâm CSSKSS để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế./.