Tìm kiếm
"TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
 

Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá website này như thế nào?
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Khó khăn, thách thức và lộ trình loại trừ sốt rét
Lượt xem 63814Ngày cập nhật 08/08/2018
Xét nghiệm lam máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong phòng chống và loại trừ bệnh (ảnh NVH

Hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương trong cả nước đang triển khai lộ trình tiến tới loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Những khó khăn, thách thức của chiến lược phòng chống sốt rét trước đây cũng chính là những khó khăn, thách thức của chiến lược loại trừ sốt rét đang triển khai. Vì vậy cần phải khắc phục vấn đề này mới có thể thực hiện lộ trình loại trừ sốt rét có kết quả. 

 

Sốt rét được xác định là một bệnh xã hội, vì vậy vấn đề kinh tế xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai chiến lược phòng chống sốt rét trước đây và loại trừ sốt rét hiện nay. Ngoài ra, sự khó khăn về nguồn lực để thực hiện biện pháp cũng làm hạn chế việc thực hiện các biện pháp của chiến lược đạt hiệu quả.

Khó khăn, thách thức về kinh tế xã hội  

Qua phân tích tình hình thực tiễn, tại nước ta người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành còn cao, chủ yếu là người nghèo; người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các vùng rừng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, khu vực biên giới... Đồng thời sự gia tăng tình trạng giao lưu, đi lại của người dân qua biên giới ở giữa các quốc gia, đặc biệt với Lào và Campuchia là nơi có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét vẫn còn cao và có ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc; cũng có thể là người lao động từ một số nước châu Phi trở về... đã làm tăng nguy cơ lan truyền sốt rét, gây dịch sốt rét. Sự gia tăng di biến động dân giữa các địa phương theo mùa vụ nông lâm nghiệp từ vùng không còn sốt rét vào vùng sốt rét lưu hành để làm kinh tế sẽ làm tăng nguy cơ mắc là lan rộng sốt rét cho cả nơi có dân đi và nơi có dân đến. Tập quán của người dân đi làm rừng, làm nương rẫy và ngủ lại qua đêm thường có tỷ lệ sử dụng màn chống muỗi và các biện pháp bảo vệ cá nhân khác còn thấp nên có nguy cơ mắc bệnh cao. Chất lượng chẩn đoán và điều trị sốt rét tại tuyến y tế cơ sở của nhiều địa phương còn thấp nên việc phát hiện và điều trị cho bệnh nhân sốt rét thường muộn, ảnh hưởng đến kết quả điều trị và phòng chống dịch. Ngoài ra, tình hình ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng thuốc Artemisinin và dẫn xuất đã được phát hiện tại 5 tỉnh Bình Phước, Đăk Nông, Gia Lai, Quảng Nam và Khánh Hòa có nguy cơ lan rộng tới những địa phương khác trên toàn quốc sẽ làm hạn chế kết quả điều trị nếu không có những biện pháp khống chế kịp thời và hiệu quả. Muỗi truyền bệnh Anopheles minimus và Anopheles dirus gây ra sự lây nhiễm sốt rét thay đổi tập tính thường trú đậu và đốt người ở ngoài nhà nên đã gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bằng biện pháp phun hóa chất tồn lưu diệt muỗi và tẩm màn ngủ với hóa chất diệt muỗi; sự xuất hiện của muỗi Anopheles epiroticus kháng lại với hóa chất diệt muỗi nhóm pyrethroide tổng hợp thường hay sử dụng cũng là một khó khăn gặp phải.  

Khó khăn, thách thức về nguồn lực

Trong chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét, nguồn lực là yêu cầu quan trọng để bảo đảm việc thực hiện các biện pháp triển khai. Tuy vậy, nguồn kinh phí được cấp từ nhà nước còn hạn chế và không ổn định; trong khi đó nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và nước ngoài có xu hướng giảm nên các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét gặp nhiều khó khăn. Đồng thời tổ chức mạng lưới y tế làm công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tại tuyến cơ sở của nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa...; vì vậy cần được củng cố và bổ sung nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, một số vùng có số người mắc sốt rét giảm thấp hoặc không ghi nhận có trường hợp bệnh nhân sốt rét trong nhiều năm liền dẫn đến tình trạng chủ quan, không chú ý đến công tác phòng chống và loại trừ sốt rét nên không có sự quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực con người lẫn kinh phí.     

Lộ trình loại trừ sốt rét

Để tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng tại nước ta trong thời gian đến với những khó khăn, thách thức về kinh tế xã hội và nguồn lực đã được nêu ở trên; mục đích yêu cầu là phải xác định lộ trình thực hiện loại trừ bệnh sốt rét của các tỉnh, thành phố phù hợp với tình hình sốt rét hiện tại và khả năng thực hiện để triển khai việc loại trừ sốt rét do nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum vào năm 2025 và loại trừ sốt rét do nhiễm tất cả các chủng loại ký sinh trùng sốt rét trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030.

Bộ Y tế xác định chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét tại nước ta thực hiện gồm 3 giai đoạn: giai đoạn phòng chống sốt rét, giai đoạn loại trừ sốt rét và giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại. Các giai đoạn phòng chống và loại trừ sốt rét này được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trên cơ sở đó, lộ trình loại trừ sốt rét tại các tỉnh, thành phố được xác định căn cứ vào các yếu tố gồm: Tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trên 1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành của từng huyện được tính bằng số trường hợp ký sinh trùng sốt rét trong 5 năm liền từ năm 2011 đến năm 2015. Khả năng thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh sốt rét bao gồm phát hiện, chẩn đoán bệnh; thực hiện điều tra bệnh sốt rét trong vòng 3 ngày sau khi phát hiện; giám sát ký sinh trùng sốt rét; giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét. Khả năng thực hiện báo cáo trường hợp bệnh cho tuyến trên trong vòng 24 giờ từ hệ thống y tế công lập và y tế tư nhân. Khả năng thực hiện giám sát ổ bệnh sốt rét như điều tra, phân loại, xử lý ổ bệnh. Khả năng đáp ứng nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ của địa phương và các nguồn hỗ trợ khác về nhân lực, kinh phí. Có sự cam kết và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ công tác loại trừ bệnh sốt rét tại địa phương theo quy định.

Với lộ trình đã xác định ở trên, trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước đến năm 2020 sẽ còn 9 địa phương ở giai đoạn phòng chống sốt rét, 26 địa phương ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 28 địa phương ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại; đến năm 2025 không còn địa phương nào còn ở giai đoạn phòng chống sốt rét, 8 địa phương ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 55 địa phương ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại. Đối với 713 quận, huyện, thị xã, thành phố của cả nước đến năm 2020 sẽ còn 32 đơn vị ở giai đoạn phòng chống sốt rét, 192 đơn vị ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 489 đơn vị ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại; đến năm 2025 không còn đơn vị nào ở giai đoạn phòng chống sốt rét, 26 đơn vị ở giai đoạn loại trừ sốt rét và 687 đơn vị ở giai đoạn đề phòng sốt rét quay trở lại.

Theo lộ trình này, tất cả các tỉnh, thành phố sẽ loại trừ sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum vào năm 2025. Một số tỉnh, thành phố còn tồn tại các chủng loại ký sinh trùng sốt rét khác như Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesi sẽ tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống để đạt mục tiêu loại trừ hoàn toàn sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030.

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/kho-khan-thach-thuc-trong-loai-tru-sot-ret-n146929.html

 

                                                         

       

 

BS. NGUYỄN VÕ HINH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Liên kết website
Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên HuếGia đìnhPhản ánh một cửaSức khỏe đời sốngTạp chí dượcTạp chí y dượcBáo điện tử VTV NewsCổng thông tin điện tử Thừa Thiên HuếTạp chí cộng sảnChuyển đổi số
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 47.211.864
Lượt truy cập hiện tại 16.682