Giới thiệu chung
Trên cơ sở Khung lý thuyết của hệ thống y tế do Tổ chức Y tế thế giới xây dựng, khung hệ thống y tế Việt Nam được mô tả tại Hình 1 dưới đây.
Các hợp phần nguồn lực đầu vào của hệ thống y tế cần có những tiêu chí cơ bản.
Nhân lực y tế phải đủ về số lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý, đảm bảo trình độ chuyên môn theo nhiệm vụ được giao, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và ứng xử tốt.
Cơ chế tài chính y tế cần huy động đủ nguồn kinh phí đầu tư cho y tế với cơ cấu hợp lý giữa chi tiêu công và chi tiêu tư cho y tế, bảo đảm người dân có khả năng tiếp cận và sử dụng được các dịch vụ y tế khi cần thiết, được bảo vệ để tránh khỏi rủi ro tài chính hoặc nghèo đói do các chi phí liên quan đến y tế; đồng thời khuyến khích việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí sẵn có dành cho y tế.
Hệ thống thông tin y tế phải thu thập, phân tích và cung cấp các thông tin tin cậy và kịp thời giúp cho việc hoạch định chính sách và quản lý các hoạt động của hệ thống y tế.
Dược phẩm, vắc-xin, sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế, công nghệ và cơ sở hạ tầng là những yếu tố đầu vào không thể thiếu cho hệ thống y tế vận hành. Các yếu tố này cần có chất lượng đúng theo quy định để dịch vụ y tế có chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Lãnh đạo và quản trị bao gồm phải đảm bảo có các khung chính sách chiến lược, kết hợp với việc giám sát hiệu quả, xây dựng sự liên kết, các văn bản pháp quy, quan tâm đến thiết kế hệ thống và tính trách nhiệm.
Tất cả 5 hợp phần đầu vào trên là nhằm để cung ứng dịch vụ y tế tốt nhất cho mọi người dân, bao gồm các dịch vụ KCB, phục hồi chức năng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, được sắp xếp thành mạng lưới có chức năng phù hợp theo các tuyến (Xem Hình 14, Chương 3). Các dịch vụ y tế cũng cần đạt được những tiêu chí cơ bản, đó là bao phủ toàn dân, người dân có khả năng tiếp cận được (về tài chính và địa lý), các dịch vụ phải bảo đảm công bằng, hiệu quả và chất lượng.
Kết quả đầu ra và mục đích cuối cùng của hệ thống y tế là nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời góp phần đảm bảo công bằng xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khung hệ thống y tế Việt Nam này được áp dụng trong báo cáo này. Trên cơ sở Khung hệ thống y tế nêu trên, báo cáo JAHR 2010 được kết cấu thành 11 chương và 3 phụ lục như sau:
Chương 1: Tình trạng sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng.
Chương 2: Y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Chương 3: Cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Chương 4: Cung ứng dịch vụ dân số - KHHGĐ và CSSKSS.
Chương 5: Nhân lực y tế.
Chương 6: Hệ thống thông tin y tế.
Chương 7: Thuốc, vắc-xin, máu và sinh phẩm khác.
Chương 8: Trang thiết bị y tế.
Chương 9: Tài chính y tế.
Chương 10: Quản trị hệ thống y tế.
Chương 11: Kết luận và khuyến nghị.
Các chương từ 2 đến 10 có nội dung thuộc 6 cấu phần của hệ thống y tế, trong đó cấu phần cung ứng dịch vụ có 3 chương (Y tế dự phòng, Khám chữa bệnh, KHHGĐ và CSSKSS), cấu phần dược, trang thiết bị y tế, công nghệ có 2 chương (Thuốc, vắc-xin, máu và các chế phẩm máu; Trang thiết bị y tế). Các chương này có cấu trúc tương tự nhau, gồm: i) Khái niệm; ii) Thực trạng; iii) Các vấn đề ưu tiên; iv) Khuyến nghị.
Chương Kết luận và khuyến nghị tổng hợp những nhận định, đánh giá chính về từng cấu phần của hệ thống y tế ở Việt Nam và tóm tắt các khuyến nghị các giải pháp cho những vấn đề ưu tiên cho năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Phụ lục 1: Kiểm điểm việc thực hiện các khuyến nghị của các báo cáo JAHR.
Phụ lục 2: Tóm tắt các vấn đề ưu tiên và giải pháp.
Phụ lục 3: Các chỉ số theo dõi, đánh giá.
Ban biên tập
TS. Nguyễn Quốc Triệu - Trưởng ban
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến
PGS. TS. Phạm Lê Tuấn
TS. Nguyễn Hoàng Long
PGS. TS. Phạm Trọng Thanh
ThS. Sarah Bales
ThS. Dương Đức Thiện
Các chuyên gia tư vấn
TS. Nguyễn Đăng Vững
PGS. TS. Bùi Thanh Tâm
PGS. TS. Phan Văn Tường
TS. Nguyễn Quốc Anh
BS. Nguyễn Đình Loan
ThS. Phương Thị Thu Hương
PGS. TS. Bùi Thị Thu Hà
TS. Nguyễn Thị Tĩnh
ThS. Hoàng Thanh Hương
PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Chúc
KS. Đoàn Nhật Ánh
ThS. Nguyễn Khánh Phương
TS. Trần Văn Tiến
CN. Đỗ Quang Tuyến
Nguồn: Bộ Y tế