Hành trình từ nhiễm HIV đến bệnh AIDS
Ngày cập nhật 15/03/2016
Cần có những hiểu biết cần thiết để phòng ngừa nhiễm HIV gây bệnh AIDS (ảnh minh họa)

HIV là chữ viết tắt human immunodeficiency virus, đây là loại vi-rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người gọi là AIDS, viết tắt từ chữ aquired immunodeficiency syndrome. Có thể nói HIV là loại vi-rút làm mất dần sức đề kháng để chống lại bệnh tật của cơ thể con người và AIDS là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Vậy hành trình từ lúc nhiễm HIV đến khi bị AIDS diễn biến như thế nào?

Đặc điểm của mầm bệnh HIV

Về cấu tạo, vỏ của HIV gồm có lớp lipid kép giúp cho vi-rút giữ được sức bền của bề mặt để có thể tồn tại lâu hơn khi chúng ở môi trường ngoài cơ thể từ vài ngày đến một tuần, nhất là khi vi-rút nằm trong máu dính ở các bơm kim tiêm đã sử dụng. Trên bề mặt của vi-rút có rất nhiều gai nhỏ giúp chúng dễ dàng bám chặt và đột nhập rất nhanh vào các tế bào bạch cầu, đây là những tế bào vốn có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại với bệnh tật. Nhân của vi-rút gồm 2 chuỗi ARN (acid ribonucleic) và có men sao chép ngược. Nhờ có men sao chép ngược nên khi xâm nhập vào tế bào, vi-rút có khả năng sao chép 2 chuỗi ARN thành 2 chuỗi ADN (acid deoxyribonucleic) để gắn vào nhân tế bào và phát triển nhân lên thành các vi-rút mới. Vi-rút rất nhỏ, có kích thước từ 80 đến 120 nanomét (1 nanomét chỉ bằng 1 phần tỷ mét), vì vậy chỉ có thể nhìn thấy chúng dưới kính hiển vi điện tử phóng đại lên hàng triệu lần. Chính nhờ kích thước nhỏ bé này mà vi-rút có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua các vết trầy xước rất nhỏ và cũng có thể xuyên qua ngay cả lớp niêm mạc. Theo các nhà khoa học, thực tế hiện nay khả năng biến đổi của loại vi-rút này rất lớn với nhiều chủng loại HIV khác nhau nên khá phức tạp. Thậm chí trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng vi-rút như ARV (Antiretrovaral), HIV có thể biến đổi, trở nên kháng thuốc và các chủng loại vi-rút mới kháng thuốc này cũng có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác gây nên sự khó khăn, trở ngại rất lớn; nhất là đối với việc nghiên cứu chế tạo ra vắc-xin chống lại HIV cũng như thuốc điều trị bệnh AIDS. Chính các đặc điểm về cấu tạo của HIV được ghi nhận là cơ sở khoa học để thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất ra thuốc điều trị AIDS và vắc-xin phòng ngừa lây nhiễm HIV...

Về đặc điểm lý hóa, thực tế ghi nhận HIV có thể tồn tại ở trong xác chết của bệnh nhân AIDS trong vòng 24 giờ. Ở nhiệt độ dưới 0oC, tác động của tia quang tuyến X và tia cực tím không thể giết chết được loại vi-rút này. Tuy nhiên khi ở ngoài cơ thể, dưới ảnh hưởng của nhiệt độ và các chất sát trùng thông thường thì vi-rút có thể bị tiêu diệt một cách dễ dàng như ngâm sau 30 phút trong cồn 70o, dung dịch chloramin 1%, nước Javel 1%... Do đó nếu ngâm các dụng cụ tiêm, chích trong cồn 70o hoặc quần áo, đồ vải có dính máu nhiễm HIV vào dung dịch chloramin 1%, nước Javel 1% trong vòng 30 phút thì có thể tiêu diệt được loại vi-rút này. Đồng thời nếu đun sôi trong khoảng thời gian 20 phút kể từ khi nước sôi thì vi-rút cũng sẽ bị giết chết; vì vậy nếu luộc sôi các loại dụng cụ phẫu thuật, tiêm, chích... bằng chất liệu thủy tinh hay kim loại trong thời gian 20 phút kể từ khi nước sôi trước mỗi lần sử dụng thì có thể tiêu diệt được vi-rút. Chính các đặc điểm về lý hóa của vi-rút là cơ sở khoa học để căn cứ xác định các biện pháp xử lý và dự phòng sự lây nhiễm của vi-rút như xử lý các loại dụng cụ, áo quần, đồ vải... có dính máu và dịch sinh học của người nhiễm vi-rút cũng như xác định các biện pháp xử lý khi bị phơi nhiễm HIV.

Cơ chế gây bệnh khi bị nhiễm HIV

Hệ miễn dịch của cơ thể con người có thành phần chủ lực là các tế bào bạch cầu, đây là lực lượng bảo vệ có thể chống lại sự tấn công của các tác nhân gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc mầm bệnh ung thư phát sinh từ một số tế bào ở bên trong cơ thể. Thực tế có thể xem các tế bào bạch cầu là lực lượng có mặt ở khắp nơi trong cơ thể con người để phát hiện và chiến đấu chống lại những mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài hoặc phát sinh từ bên trong cơ thể. Trong các tế bào bạch cầu có một loại tế bào bạch cầu đặc biệt gọi là lympho bào T có điểm thụ cảm CD4 thường được gọi tắt là tế bào CD4 đóng vai trò chỉ huy để thực hiện nhiệm vụ điều phối, huy động hay rút lui toàn bộ hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Về cơ chế gây bệnh, sau khi HIV xâm nhập vào cơ thể, chúng tấn công ngay vào các tế bào bạch cầu, nhất là lympho bào T-CD4. Vi-rút sẽ sử dụng chính chất liệu di truyền của các tế bào bạch cầu này để sinh sôi nảy nở và phát triển nhân lên. Do đó tế bào bạch cầu không những không bao vây, tiêu diệt được vi-rút mà còn bị chúng biến thành những kẻ đồng phạm và cuối cùng cũng sẽ bị vi-rút phá hủy. Từ đây, vi-rút phá hủy bạch cầu ngày càng nhiều dẫn đến hệ miễn dịch của cơ thể con người bị suy giảm dần, bị vô hiệu hóa làm cho cơ thể con người không còn được bảo vệ như những người bình thường nữa. Lúc này các mầm bệnh như vi khuẩn, vi nấm, vi-rút khác nhân cơ hội thuận lợi xâm nhập và gây bệnh được gọi là bệnh nhiễm trùng cơ hội; ngay cả tế bào ung thư cũng có điều kiện phát triển để gây nên nhiều bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Ngoài ra sau khi vi-rút xâm nhập vào cơ thể, chúng còn có thể trực tiếp phá hoại tế bào thần kinh đệm làm cho người bệnh bị lú lẫn, mất trí... hoặc xâm nhập vào hệ thần kinh, dạ dày, ruột, da... gây nên một số bệnh lý cho các cơ quan này làm cho bệnh cảnh lâm sàng của bệnh AIDS trở nên hết sức đa dạng, phức tạp và khó chẩn đoán.

Đặc điểm của bệnh AIDS

Có thể nói bệnh AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do nhiễm HIV gây ra, đây là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV. Hội chứng này là một tập hợp nhiều triệu chứng được ghi nhận như hội chứng nhiễm trùng bao gồm các triệu chứng sốt, nhức đầu, khô môi, lưỡi bẩn... do tình trạng nhiễm trùng gây nên. Theo các nhà khoa học, bệnh AIDS không phải là hội chứng bẩm sinh hay có yếu tố di truyền mà do con người mắc phải vì có thực hiện hành vi nguy cơ trong quá trình sinh hoạt như dùng chung bơm kim tiêm hoặc quan hệ tình dục không dùng bao cao su bảo vệ với người nhiễm HIV; từ đây dẫn đến bị lây nhiễm vi-rút và sau đó phát triển thành bệnh AIDS. Có thể nói bệnh AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV. Thời gian từ khi bị nhiễm vi-rút cho đến khi phát triển thành bệnh AIDS dài hay ngắn tùy thuộc vào sức chống đỡ bệnh tật và hành vi của từng người. Thực tế trung bình từ khi nhiễm HIV đến khi phát triển thành bệnh AIDS thường kéo dài khoảng 5 đến 7 năm, tuy vậy nhưng cũng có nhiều trường hợp có thể kéo dài đến hàng chục năm nếu người bị nhiễm vi-rút biết cách giữ gìn sức khỏe và không có hành vi nguy cơ liên quan đến lây nhiễm vi-rút.

Hành trình từ lúc nhiễm HIV đến khi hình thành bệnh AIDS trải qua nhiều giai đoạn (ảnh minh họa)

Hành trình từ nhiễm HIV đến bệnh AIDS

Như trên đã nêu, những người nhiễm HIV không trở thành bệnh nhân AIDS ngay mà phải diễn biến trong một thời gian nhất định và có trường hợp có thể kéo dài đến hàng chục năm. Trong khoảng thời gian này, người nhiễm vi-rút hoàn toàn khỏe mạnh; vẫn sống, sinh hoạt, lao động, làm việc, học tập bình thường nhưng có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh sang cho người khác vì vi-rút vẫn tồn tại và phát triển trong cơ thể. Từ lúc người bị nhiễm vi-rút cho đến khi hình thành bệnh AIDS có thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: sức đề kháng của cơ thể, lối sống và sinh hoạt, sự chăm sóc của gia đình và người thân, mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội... Hành trình phát triển từ lúc  nhiễm HIV đến khi trở thành bệnh AIDS thực tế phải trải qua một số giai đoạn, chủ yếu có 4 giai đoạn chính.

Giai đoạn 1: là giai đoạn không triệu chứng hay còn gọi là nhiễm HIV cấp, thời kỳ cửa sổ, thời kỳ chuyển đổi huyết thanh. Người bị nhiễm vi-rút hầu như không có biểu hiện dấu hiệu gì hoặc có biểu hiện một ít triệu chứng thông thường giống như cảm cúm nhưng sau đó các triệu chứng này qua đi và biến mất mất một cách tự nhiên làm cho bản thân người bị nhiễm vi-rút không chú ý tới. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ghi nhận người nhiễm vi-rút có triệu chứng sưng hạch to toàn thân và dai dẳng. Giai đoạn này thường kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng, đôi khi tới 6 tháng. Vào đầu giai đoạn này, cơ thể người bị nhiễm vi-rút chưa kịp sinh ra kháng thể chống lại HIV thường được gọi tắt là kháng thể HIV hoặc lượng kháng thể HIV còn ít nên các xét nghiệm thông thường để tìm kháng thể thực tế không phát hiện được kháng thể và kết quả xét nghiệm thường ghi âm tính. Chính vì vậy, các nhà khoa học mới gọi giai đoạn này là thời kỳ cửa sổ. Có thể nói đây là giai đoạn nguy hiểm cho người khác và cho cả cộng đồng vì không phát hiện được người bị nhiễm HIV qua các xét nghiệm sàng lọc máu thông thường để tìm kháng thể. Những người bị nhiễm vi-rút trong giai đoạn này hoàn toàn có thể vô tình lây nhiễm mầm bệnh cho người khác mà chính ngay bản thân mình cũng không biết.

Giai đoạn 2: là giai đoạn có biểu hiện triệu chứng nhẹ, có thể kéo dài nhiều năm, trung bình từ 8 đến 10 năm và có khả năng lâu hơn. Trong giai đoạn này, sức đề kháng của cơ thể còn mạnh nên số lượng vi-rút trong máu còn thấp. Người nhiễm vi-rút hầu như không có triệu chứng gì thể hiện ra bên ngoài và hoàn toàn khỏe mạnh như người bình thường. Vì vậy những người nhiễm vi-rút vẫn sống, sinh hoạt, lao động, làm việc, học tập như người bình thường nhưng là đối tượng có thể làm lây nhiễm mầm bệnh sang cho người khác. Ở một số người bị nhiễm vi-rút trong giai đoạn này có thể có một số triệu chứng lâm sàng nhẹ như sút cân với mức độ vừa phải khoảng dưới 10% trọng lượng cơ thể không rõ nguyên nhân; bị nhiễm trùng đường hô hấp tái diễn gồm viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa, viêm hầu họng; bị zona (herpes zoster) thường gọi là bệnh giời leo, viêm khóe miệng, loét miệng tái diễn, phát ban dạng sẩn, ngứa, viêm da bã nhờn, nhiễm nấm móng...

Giai đoạn 3: là giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng tiến triển, còn gọi là giai đoạn cận AIDS. Trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của cơ thể bắt đầu bị suy giảm nặng nên người bị nhiễm vi-rút xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh lý khác nhau như: sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể không rõ nguyên nhân; tiêu chảy không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 tháng; sốt từng đợt hoặc sốt liên tục cũng không rõ nguyên nhân và kéo dài hơn 1 tháng; bị mắc lao phổi; nhiễm trùng nặng do vi khuẩn gồm viêm phổi, viêm mủ màng phổi, viêm đa cơ mủ, nhiễm trùng xương khớp, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết; viên lét miệng hoại tử cấp tính, viêm lợi hoặc viêm quanh răng; nhiễm nấm Candida miệng tái diễn, bạch sản dạng lông ở miệng; thiếu máu, giảm bạch cầu, đôi khi giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.

Giai đoạn 4: là giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng lâm sàng nặng, còn gọi là giai đoạn AIDS. Ở người bị nhiễm vi-rút xuất hiện nhiều triệu chứng bệnh lý nặng và khá trầm trọng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như: hội chứng suy mòn do nhiễm vi-rút gồm sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể kèm theo sốt kéo dài trên 1 tháng hoặc tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng không rõ nguyên nhân; viêm phổi do nhiễm Pneumocystis jiroveci, viêm phổi do nấm; nhiễm herpes simplex mạn tính ở môi, miệng, cơ quan sinh dục, quanh hậu môn kéo dài hơn 1 tháng hoặc bất cứ đâu trong nội tạng; nhiễm nấm Candida thực quản hoặc khí quản, phế quản hay phổi; bị lao ngoài phổi, mắc Kaposi sarcoma là một loại ung thư; bệnh do nhiễm Cytomegalovirus là một loại vi-rút ở võng mạc hoặc cơ quan khác; bệnh do nhiễm Toxoplasma là một loại ký sinh đơn bào ở hệ thần kinh trung ương; bệnh lý não do HIV; bệnh do nhiễm Cryptococcus là một loại nấm ở ngoài phổi bao gồm cả viêm màng não; bệnh do Mycobacterium avium complex lan tỏa; bệnh lý não chất trắng đa ổ tiến triển; tiêu chảy mạn tính; bệnh do nấm lan tỏa; nhiễm trùng huyết tái diễn; U lympho ở não hoặc u lympho non-Hodgkin tế bào B; ung thư cổ tử cung; bệnh do Leishmania do một loại trùng roi lan tỏa không điển hình; bệnh lý thận do HIV; viêm cơ tim do HIV...

Khác biệt của người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS

Người nhiễm HIV có sự hiện diện của vi-rút ở trong máu, tinh dịch, dịch âm đạo và các loại thể dịch khác; có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác; xét nghiệm máu có kết quả dương tính với HIV trừ khi người bị nhiễm đang ở trong giai đoạn cửa sổ; nhìn bên ngoài người nhiễm HIV hầu như không có biểu hiện triệu chứng gì và trông khỏe mạnh như người bình thường; diễn biến thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Còn đối với bệnh nhân AIDS; cũng có sự hiện diện của vi-rút trong máu, tinh dịch, dịch âm đạo, các loại thể dịch khác và có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác; xét nghiệm máu có kết quả dương tính với HIV; có các biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng cơ hội; diễn biến bệnh lý thường xảy ra trong thời gian ngắn.

Theo các nhà khoa học, người nhiễm HIV được xem như đã chuyển sang giai đoạn bệnh AIDS khi người bị nhiễm vi-rút xuất hiện ít nhất 2 triệu chứng chính và 1 triệu chứng phụ theo quy ước. Nhóm triệu chứng chính gồm: Sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể. Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng. Sốt kéo dài trên 1 tháng. Nhóm triệu chứng phụ gồm: Ho dai dẳng kéo dài trên 1 tháng. Nhiễm nấm Candida ở hầu họng. Ban đỏ và ngứa da toàn thân. Nổi mụn rộp herpes và vết giời leo zona tái phát. Nổi hạch ở nhiều nơi trên cơ thể...

Điều cần quan tâm

Có thể nói tình hình nhiễm HIV và bệnh AIDS là một vấn đề thời sự hiện nay chưa được khống chế một cách có hiệu quả vì các tệ nạn xã hội như tình trạng tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục không an toàn đặc biệt là quan hệ đồng giới... mặc dù đã có nhiều cố gắng loại trừ nhưng vẫn đang còn tồn tại có xu hướng phát triển ở một số địa phương cơ sở. Vì vậy cộng đồng người dân cần biết rõ những thông tin cơ bản về nhiễm HIV và bệnh AIDS để chủ động phòng ngừa; tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra với bệnh lý phức tạp, nặng nề và trầm trọng dẫn đến tử vong.

 

 

                                                                      TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

[In trang này ] [ Đóng ]