Tìm kiếm
"TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"
 

Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá website này như thế nào?
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Về tính khiêm tốn
Ngày cập nhật 01/08/2021
Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc)

Khiêm tốn là một đức tính tốt mà mọi người cần phải trau dồi, rèn luyện, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên. Nội dung khiêm tốn có nghĩa là sự kính nhường, có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người.

Khiêm tốn sẽ có sự tỉnh táo, để nhận thức được chân lý một cách đúng đắn, khách quan; đồng thời có được sự ủng hộ, giúp đỡ chân thành của mọi người. Nó đem lại cho ta nhiều khả năng cả về trí lực và vật lực để đạt đến sự thành công cũng như sự tin tưởng của mọi người.

Để đạt tới sự chuẩn mực, đức khiêm tốn cần phải đặt trong mối quan hệ tương xứng với lòng tự tin. Đức khiêm tốn càng cao thì lòng tự tin phải càng lớn. Bởi tự tin chính là "cơ sở vật chất" cho khiêm tốn. Tương tự, lòng tự tin cũng phải lấy khiêm tốn làm "cái neo" để không vượt quá hiện thực. Nếu không có "cái neo" này thì lòng tự tin dễ chuyển sang tự tôn rồi tự kiêu, tự phụ lúc nào không hay.

Những biểu hiện chủ yếu của tính khiêm tốn:

Trong quá trình nhận thức, tính khiêm tốn thể hiện ở khả năng tự tranh luận, tự phê phán những nhận định, suy đoán mà bản thân mình phát hiện ra, so sánh đối chiếu với mọi lý luận trước đây đã được phát biểu... Phẩm chất này giúp chúng ta tránh được sự chủ quan, bất cẩn, hời hợt và phiến diện trước khi công bố những kết luận cuối cùng của mình.

Trong phát ngôn, cổ nhân đã dạy "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Khiêm tốn trong phát ngôn còn là việc sử dụng từ ngữ giản dị, dễ hiểu, không dùng từ "đao to búa lớn" hay "cao siêu huyền bí". ở đây, Hồ Chí Minh đã cho chúng ta một hình mẫu về sử dụng ngôn ngữ giản dị mà không kém phần sâu sắc. Khiêm tốn trong phát ngôn còn là không nói nhiều về mình, không khoe khoang:

"Khí kiêng nhất sự hung hăng

Tâm kiêng nhất sự hẹp hòi

Tài kiêng nhất sự bộc lộ" (Lữ Khôn)

Trong thái độ ứng xử, khiêm tốn có nghĩa là "nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người", không quá tự tin hay độc quyền chân lý, luôn "kính trên nhường dưới". Thái độ khiêm tốn trong phê phán, đóng góp cho người khác đó là: không tiếc lời khen nhưng thận trọng khi phê phán, thận trọng khi sử dụng ngôn từ để tránh tổn thương lòng tự trọng của người khác - nhất là đối với người lớn tuổi, cấp trên. Khi được người khác phê phán, góp ý cần bình tĩnh, nhẫn nại lắng nghe và tiếp thu những điều hợp lý. Biểu hiện rõ nhất của tính khiêm tốn, như Bác Hồ dạy, đó là - "thắng không kiêu, bại không nản". Để có đức tính khiêm tốn, mỗi người đều phải có sự tu dưỡng, rèn luyện.

Phương hướng rèn luyện đức tính khiêm tốn là:

Thứ nhất, do khiêm tốn xuất phát từ chữ lễ, mà trong chữ lễ thì trung chính đóng vai trò cốt tử. Vì vậy, chữ trung chính cũng đóng vai trò trọng yếu trong tính khiêm tốn. Điều này hàm ý rằng, để rèn luyện được tính khiêm tốn, vai trò trong việc nhận thức và ứng xử một cách đúng vị, đúng mực, đúng lúc và đúng nơi là vô cùng quan trọng.

Thứ hai, trong cuộc sống không có gì là hoàn toàn lý tưởng tuyệt đối, bất công bằng là điều vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc rèn chữ nhẫn là yêu cầu trước tiên cần phải được chú ý thực hiện.

Thứ ba, rèn luyện tính khiêm tốn phải được thực hiện trong cuộc sống thường ngày, từ những việc nhỏ nhất. Ngạn ngữ của Nga có câu: "Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách và tính cách sẽ quyết định số phận"; cộng với tinh thần cầu tiến, luôn luôn học hỏi, không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng hoàn thiện nhân cách, kiên tâm trì chí chúng ta sẽ rèn được đức tính khiêm tốn.

Thứ tư, tính bốc đồng là một trạng thái tình cảm phải hết sức cảnh giác. Chính nó dễ làm cho chúng ta, từ một người điềm đạm, khiêm tốn bỗng chốc trở nên kiêu căng, tự phụ, ăn nói thiếu giữ gìn lúc nào không biết. Chúng ta dễ trở nên bốc đồng khi chưa có sự chuẩn bị về mặt tâm lý lúc tiếp nhận những tình huống "thuận lợi bất ngờ" như: được nâng lương, đề bạt, trúng số, nhận thừa kế... và cả trong khi rượu bia, yến tiệc no say.

Thứ năm, tuy không đồng nhất nhưng lại có mối liên quan hết sức chặt chẽ với tính khiêm tốn đó là tính trung thực. Trung thực với mình, trung thực với người cũng là biểu hiện một phần của tính khiêm tốn. Vì vậy, cần phải rèn luyện tính trung thực, như một sự bổ trợ cần thiết cho tính khiêm tốn.

Cuối cùng, yêu cầu lớn hơn cả là bản thân mỗi chúng ta phải tạo lập cho mình một mục đích sống mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Chính mục đích lớn này sẽ tạo cho chúng ta động lực để luôn luôn tự điều chỉnh, thực hiện được yêu cầu "thắng không kiêu, bại không nản", trên suốt hành trình tranh đấu, vượt qua mọi khó khăn và thành công nhất thời để vươn tới mục tiêu cao đẹp cuối cùng.

NGUYỄN HẢI CHÂU

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/5352/ve-tinh-khiem-ton.aspx

Sưu tầm tin Nguyễn Đào
Tin mới
Xem tin theo ngày  
Liên kết website
Đài phát thanh truyền hình Thừa Thiên HuếGia đìnhPhản ánh một cửaSức khỏe đời sốngTạp chí dượcTạp chí y dượcBáo điện tử VTV NewsCổng thông tin điện tử Thừa Thiên HuếTạp chí cộng sảnChuyển đổi số
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 43.361.630
Lượt truy cập hiện tại 20.768