"TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"

Người phụ nữ hết lòng vì sự nghiệp dân số
Ngày cập nhật 13/07/2015

   Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ huyện A Lưới đã đạt được những kết quả quan trọng và để có những thành quả đó thì sự đóng góp của đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở là vô cùng quan trọng. Một trong những gương mặt tiêu biểu đó là chị Phạm Thị Thanh Tâm - Huyện Ủy viên, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

          

   Sinh ra và lớn lên tại xã Nhâm, một xã khó khăn của huyện A Lưới, là người con dân tộc thiểu số Tà Ôi nên hơn ai hết chị thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người dân địa phương mình. Ở đó, chị đã thấy bao nhiêu gia đình vì đông con nên thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chữ, bệnh tật, không có tiền để chữa trị cứ đêo đẳng mãi người dân. Chị đã nhận ra rằng gia đình càng đông con thì càng nghèo đói như một vòng bệnh lý luẩn quẩn. Hơn 10 năm trước ở huyện miền núi luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn chưa nói rõ tiếng phổ thông thì lấy đâu ra mà tiếp cận được với những biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Do đó, chị rất tích cực học hỏi, tìm hiểu các thông tin từ các ấn phẩm truyền thông để biên soạn lại nội dung cho phù hợp với khả năng tiếp cận thông tin của chị em.

Phạm Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện A Lưới

   Chị nhớ lại, thời gian đầu đi tuyên truyền, vận động, tư vấn các biện pháp tránh thai gặp rất nhiều trở ngại, có nhiều cặp vợ chồng thường đi làm rừng, làm rẫy xa có khi ở lại hai hoặc ba ngày nên rất khó tiếp cận. Trước tình hình như vậy, chị đã nghĩ ra cách tuyên truyền rất hiệu quả, đó là chỉ đạo mạng lưới chuyên trách dân số - KHHGĐ tranh thủ những ngày trời mưa bà con không đi rẫy phải đến tận nhà tỉ tê, tâm sự và tư vấn về lợi ích của KHHGĐ, tuyên truyền các BPTT đến chị em, nêu gương những cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con làm ăn kinh tế giỏi, gia đình hạnh phúc con cái ngoan ngoãn. Bản thân chị cũng tích cực bám sát cơ sở, cùng với cán bộ chuyên trách và công tác viên dân số để trực tiếp vận động bà con tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đến nay, chị không nhớ đã vận động bao nhiêu cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những gia đình nghèo, đông con, sinh con một bề thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại.

   Khi hỏi điều gì tâm đắc nhất trong cuộc đời làm dân số, chị Tâm sung sướng và hạnh phúc trả lời: “Tuy trãi qua biết bao nhiêu vất vả, khó khăn nhưng món quà tinh thần lớn nhất mà mình nhận được đó là các cặp vợ chồng thực hiện quy mô gia đình ít con hiện nay đa số gia đình đều khang trang và họ đều có cuộc sống ấm no, sum vầy, hạnh phúc”.

   Chị tâm sự: “Từ trước đến nay, thực tế tâm lý của người dân vẫn còn mang tư tưởng “trọng nam hơn nữ” nên nhiều gia đình có 2 con gái vẫn quyết tâm cố đẻ thêm “thằng cu”, vì vậy, việc đi tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều trở ngại. Để công tác truyền thông, giáo dục có hiệu quả trước hết: là vận động, thuyết phục dòng họ, gia đình tham gia công tác DS-KHHGĐ, thay đổi quan niệm sinh con trai, con gái; Các chị em ruột, chị em dâu, mẹ chồng nàng dâu phải biết động viên nhau làm tốt công tác DS-KHHGĐ và sinh đẻ có kế hoạch, không đẻ sớm, đẻ nhiều, đẻ dày để làm gương cho bà con tại địa phương và nâng cao cuộc sống cho từng thành viên trong gia đình”.

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Phạm Thị Thanh Tâm chỉ đạo giao ban

   Gắn bó với công tác DS-KHHGĐ hơn 18 năm, chị nhận thấy rằng: Làm công tác dân số không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục như dòng chảy của con sông, con suối mới có hiệu quả. Làm dân số rất khó, không chỉ có lòng nhiệt tình và kiên trì mà còn phải hiểu được phong tục tập quán của từng dân tộc, phải chia sẻ tâm tư, tình cảm, gần gũi với bà con nhằm truyền thông, giáo dục một cách có hiệu quả, phải giải thích có tình, có lý những quyền lợi, nghĩa vụ khi người dân tham gia thực hiện chính sách DS-KHHGĐ để thu hút sự hưởng ứng tích cực của nhiều tầng lớp nhân dân.  Chi Tâm chia sẻ: “Muốn làm tốt công tác này thì mình phải có tâm huyết, yêu nghề cùng với sự nhiệt tình, thân thiện và đầy trách nhiệm”. Vì vậy chị Tâm đã nhận được sự yêu thương và tín nhiệm của bà con nhân dân và lãnh đạo tại địa phương. Hầu hết người dân đã dần dý thức được lợi ích của KHHGĐ nên họ đã sinh con ít, đẻ con thưa để có thời gian, điều kiện phát triển kinh tế gia đình, con cái học hành thành đạt. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của bản thân trong công tác DS-KHHGĐ, thời gian qua chị đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ghi nhận những đóng góp to lớn của chị đối với công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ Phạm Thị Thanh Tâm tham gia tư vấn cho chị em phụ nữ

   Với những kinh nghiệm thực tế của mình trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện KHHGĐ chị đã truyền đạt lại cho cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ huyện đến cơ sở, giúp họ chủ động trong công tác tham mưu, quản lý chuyên ngành. Và theo chị thì một vấn đề quan trọng nữa để công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ đó là tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo và kết nối được sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Chị cho rằng ở địa phương nào có sự vào cuộc quyết liệt của Cấp ủy đảng, Chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể thì ở địa phương đó công tác DS-KHHGĐ sẽ đạt được kết quả cao, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống của bà con.

   Bên cạnh đó, trên cương vị là Huyện ủy viên, lãnh đạo ngành DS-KHHGĐ huyện nhà, chị đã kịp thời tham mưu cho Thường vụ Huyện ủy - HĐND - UBND ban hành Quyết định 1871/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2012 của UBND huyện A Lưới về việc phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản huyện A Lưới đến năm 2020; Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban Nhân dân huyện A Lưới về việc phê duyệt  Đề án “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2013 - 2017 và định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2013 của UBND huyện A Lưới về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020” và nhiều văn bản quan trọng khác. Chính điều này đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ như: tỷ suất năm 2010: 20%0 đến năm 2014 còn 19,4%0 (giảm được 0,6%0); Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2010: 14,7% đến năm 2014 còn 10,5% (giảm được 4,2%); tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2014 đạt 70%. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước được hạn chế, số lượng các trường hợp tảo hôn giảm dần qua từng năm.

   Đã từng được lãnh đạo địa phương tín nhiệm và đề nghị chị đảm trách cương vị khác nhưng chị tế nghị từ chối bởi lẽ trong huyết mạch của con người Chị làm Dân số như một “cái nghiệp” và niềm vui lớn vì công tác này đã và đang góp phần thay da đổi thịt của một vùng đất nghèo phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

          

Xuân Hiếu - Trung tâm DS-KHHGĐ huyện A Lưới
Tin mới
Xem tin theo ngày