"TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"

Người bác sỹ tâm huyết với công tác phòng, chống HIV/AIDS
Ngày cập nhật 05/09/2024

Tâm huyết, trăn trở, lăn lộn với công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là công tác dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nguy cơ cao là những tính từ mô tả về ThS. BS Lê Hữu Sơn – cán bộ y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã công tác trong lĩnh vực HIV/AIDS gần 20 năm nay.

Những ngày đầu với lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS

Vào năm 2005, sau khi được điều chuyển công tác từ tỉnh Quảng Trị đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thừa Thiên Huế, bác sĩ Lê Hữu Sơn được phân công tác theo dõi bệnh nhân (BN) HIV/AIDS, đồng thời phụ trách công tác Kế hoạch – Tài chính của đơn vị.

Trong ký ức của bác sỹ Sơn lúc bấy giờ, dịch HIV diễn ra ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và hầu như không kiểm soát được. Ngay từ những ngày đầu vào khoa phòng, chống HIV/AIDS, Bác sỹ  đã lập  một chương trình theo dõi và quản lý từng bệnh nhân nhiễm HIV, từ ngày nhiễm HIV cho đến khi mất. Mặc dù đã qua nhiều năm với nhiều phần mềm theo dõi người nhiễm HIV do các dự án thiết kế, nhưng đến nay, khi cần thống kê và tìm hiểu bệnh nhân, chúng tôi vẫn sử dụng chương trình của BS Sơn đã thiết kế cách đây gần 20 năm.  May mắn, sau đó nhờ có nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho tỉnh Thừa Thiên Huế, BS Sơn được tham gia triển khai các dự án chăm sóc và điều trị, cấp phát thuốc kháng HIV (ARV) miễn phí cho người HIV... Đây cũng là quãng thời gian BS Sơn được chia sẻ cùng người có HIV và cũng như từng bước đẩy lùi việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. “Chính giai đoạn ấy đã cho tôi nhiều kiến thức về chuyên môn, về sự cảm thông sâu sắc với những người mắc căn bệnh thế kỷ và càng thôi thúc tôi theo đuổi cái nghiệp gắn bó với lĩnh vực HIV”, BS Sơn bày tỏ.

Tiếp thêm sức khỏe và niềm tin cho bệnh nhân HIV

Trước năm 2008, người nhiễm HIV chỉ được khám và điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, nhận thấy sự khó khăn phải đợi chờ của người nhiễm trong mỗi lần thăm khám, tại đơn vị mới, bác sỹ Sơn bắt tay vào hoạt động mở phòng khám dành cho người nhiễm HIV. Ở giai đoạn này, các bệnh nhân được phát hiện khi đến phòng khám thường ở giai đoạn muộn với nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội phức tạp nhưng được khám, tư vấn điều trị tận tình, được tôn trọng và được bảo mật danh tính. Điều luôn tâm niệm với BS Sơn đó là sau thời gian tuân thủ điều trị, nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh, có thể lập gia đình, sinh con không bị nhiễm và tiếp tục làm việc và đóng góp hữu ích cho xã hội, là công việc của người bác sỹ HIV/AIDS rất ý nghĩa, nhân văn, tạo được niềm tin, sức khỏe cho bệnh nhân, tạo giá trị cho cộng đồng.

Sau hơn 17 năm thành lập, hiện phòng khám ngoại trú HIV của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang quản lý khám chữa bệnh ngoại trú, duy trì cấp phát thuốc ARV cho hơn 550 người nhiễm HIV và điều trị chuyên sâu các nhiễm trùng cơ hội cho người HIV/AIDS. Chính sự tận tâm của những thầy thuốc nơi đây là “mắt xích” quan trọng đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những địa bàn có tình hình dịch HIV thấp, hoạt động điều trị ARV đạt hiệu quả cao, trên 95% bệnh nhân có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế.

Tài năng với lĩnh vực Kế hoạch – Tài chính, Nghiên cứu khoa học.

Là người có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm trong lĩnh vực Kế hoạch – Tài chính, BS Lê Hữu Sơn đã nghiên cứu và tham mưu nhiều văn bản hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong nhiều năm hoạt động ở phòng Kế hoạch tài chính chưa bao giờ xảy ra hiện tượng thiếu hụt thuốc hoặc vật tư, cũng như để hàng hóa quá hạn sử dụng phải hủy bỏ. Với những kinh nghiệm tích lũy được, BS Lê Hữu Sơn cũng tham gia nhiều nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS cấp cơ sở với nhiều nghiên cứu được Hội đồng Khoa học Kỹ thuật ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế nghiệm thu, đóng góp các thông tin dữ liệu khoa học để xây dựng các chiến lược, kế hoạch, mục tiêu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Tâm huyết với công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Nhận thấy, tốc độ nhiễm HIV từ năm 2019 đã tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại tỉnh Thừa Thiên Huế, là một người bác sỹ đã kinh qua nhiều vị trí công tác trong lĩnh vực HIV/AIDS, bác sỹ Sơn luôn trăn trở làm sao để giảm tốc độ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đã hơn 5 năm can thiệp cho nhóm này bằng các giải pháp truyền thống như: tiếp cận cộng đồng để tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV cũng như cấp phát các vật dụng hỗ trợ như bao cao su, chất bôi trơn nhưng không ngăm chặn được tốc độ lây nhiễm HIV ở các đối tượng này. Ở giai đoạn này, chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV bắt đầu triển khai thí điểm ở một số tỉnh, Bác sỹ đã tham mưu cho Sở Y tế tỉnh ban hành văn bản Kế hoạch thực hiện điều trị phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV giai đoạn 2020-2025, hàng năm nếu biết được dự án nào có cấp thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, bác sỹ đều có các văn bản gửi đến để xin tiếp cận nguồn thuốc nhưng không có kết quả. Nóng lòng trước tình hình nhiễm HIV trong nhóm MSM ngày càng trầm trọng, năm 2023, bác sỹ đã tham mưu cho Ban Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (nơi có nguồn thuốc điều trị PrEP do dự án Quỹ toàn cầu cấp) hỗ trợ, kết quả 3 đợt hỗ trợ đã điều trị cho 45 người nam quan hệ tình dục đồng giới

May mắn thay, đầu năm 2024,  Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS chọn Thừa Thiên Huế là một trong các địa phương được tham gia Dự án giai đoạn 2024 – 2026. Việc tham gia Dự án Quỹ toàn cầu giai đoạn mới đã đem lại cho Thừa Thiên Huế nhiều lợi ích, đặc biệt trong hoạt động can thiệp giảm tác hại trên đối tượng nguy cơ cao. Một trong những hoạt động nổi trội mà Dự án đã hỗ trợ đó là hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã góp phần lớn trong việc thu hút các đối tượng nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, qua đó làm giảm số lượng mắc mới ở nhóm nguy cơ cao, góp phần giảm nguy cơ lây lan HIV ở cộng đồng.

Ngay khi được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ, bác sỹ Sơn đã cùng anh em khoa phòng, chống HIV/AIDS đã bắt tay vào việc chuẩn bị các hồ sơ thủ tục để mở phòng khám điều trị PrEP miễn phí, và chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, phòng khám đã triển khai tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên và đến nay đã có gần 100 đối tương tham gia điều trị. Vui lòng với những kết quả đạt đươc, bác sỹ thường hay nữa đùa nữa thật với chúng tôi rằng: “mọi sự cố gắng đều không vô ích”

Tấm gương điển hình cần nhân rộng

Nhờ những cán bộ tâm huyết như BS Sơn, các dịch vụ xét nghiệm và can thiệp giảm tác hại HIV tại tỉnh Thừa Thiên Huế dần trở nên đa dạng và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc PrEP cũng đạt hiệu quả cao.

Đồng hành cùng BS Sơn nhiều năm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS, BS Lý Văn Sơn – Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, sự nhiệt tình trách nhiệm của BS Hữu Sơn đã truyền cảm hứng và động lực cho các anh em trong khoa gắn bó với công việc nhiều năm qua.

BS.CKII Nguyễn Lê Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, sự cần mẫn, năng động, nhiệt huyết vì công việc đã giúp Trung tâm luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đây là tấm gương để cho các cán bộ trẻ trong Khoa Phòng, chống HIV/AIDS nói riêng và của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nói chung học tập.

Gần 20 năm gắn bó với công tác phòng, chống HIV/AIDS, ThS.BS Lê Hữu Sơn đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vì đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Thừa Thiên Huế trong những năm công tác. BS Sơn cũng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú./.

 

 

Bảo Châu - Khoa PC HIV/AIDS
Tin mới
Xem tin theo ngày