"TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC, XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH"

Hướng dẫn ​phòng, chống dịch COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai
Ngày cập nhật 15/10/2021

Bộ Y tế vừa có Công văn số 8646/BYT-MT ngày 13-10-2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn "Phòng, chống dịch Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai".

I. MỤC ĐÍCH

Đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, chuyển điều trị kịp thời các trường hợp mắc COVID-19 khi xảy ra thiên tai (bão, lũ...) tại vùng có dịch bệnh và vùng có nguy cơ dịch. 

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

1. Trước khi xảy ra thiên tai

a) Thành lập/kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, trong đó có đại diện của cơ quan y tế để hỗ trợ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố quyết định giao trách nhiệm cho một đơn vị làm nhiệm vụ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 

b) Chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, dịch bệnh và vùng có mức độ nguy cơ dịch bệnh. Thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định. 

c) Tổ chức xét nghiệm và ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thành viên của các lực lượng tham gia phòng, chống bão lũ, thiên tai, thảm họa. 

d) Xây dựng, kiện toàn bổ sung kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly/trung tâm quản lý cách ly người nhiễm SARS-CoV-2, điều trị bệnh nhân COVID-19 trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; xây dựng các kịch bản và phương án xử lý trong tình huống xuất hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại các điểm tránh trú an toàn; tình huống quản lý, thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 hoặc các đối tượng thuộc diện đang cách ly trong quá trình di chuyển và ở các điểm tránh trú,...

e) Thành lập các tổ điều trị cơ động để thực hiện ứng cứu khẩn cấp cho bệnh nhân COVID-19 hoặc cấp cứu các bệnh khác tại khu vực bị chia cắt bởi bão, lũ và điểm tránh trú an toàn. 

f) Tổ chức tuyên truyền phổ biến, cập nhật kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch COVID-19 cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Hướng dẫn sử dụng các phương tiện, trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân.... cần thiết để đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn giám sát, cách ly, xử lý khi có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2; quản lý, thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân trong quá trình di chuyển và ở các điểm tránh trú theo đúng quy định phòng, chống dịch. Tổ chức diễn tập nâng cao năng lực ứng phó, xử lý tình huống có bệnh nhân COVID-19 tại các điểm tránh trú. Bảo đảm an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ và các tình huống khẩn cấp khác. 

g) Tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống dịch khi di chuyển và lưu trú tại các điểm tránh trú an toàn khi xảy ra thiên tai, bão lũ.

h) Xây dựng kế hoạch, đảm bảo đáp ứng đủ nhân lực, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm, dự trữ đủ thuốc, hóa chất và các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc xử lý nước sạch, vệ sinh môi trường và quản lý chất thải y tế trong tình huống xảy ra thiên tai, bão lũ. Đảm bảo thông tin liên lạc và trang thiết bị phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19 trong thiên tai, bão lũ.

i) Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, số lượng dân cư và đặc điểm địa lý, hành chính trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng bởi bão lũ, thiên tai, thảm họa để xác định quy mô điểm tránh trú và số lượng điểm tránh trú trên địa bàn, đảm bảo di chuyển thuận lợi, an toàn cho người dân. Tổ chức khảo sát lựa chọn địa điểm và thiết lập khu tránh trú dự phòng tại các khu vực dân cư có nguy cơ xảy ra thiên tai. Chủ động bố trí, chuẩn bị trước các phương tiện vận chuyển để huy động kịp thời hỗ trợ cho người dân đến các điểm tránh trú an toàn khi có thiên tai bão, lũ xảy ra. 

2. Trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa. 

2.1. Triển khai các Kế hoạch, phương án, kịch bản đã được xây dựng để điều hành, chỉ đạo và ra quyết định tại chỗ theo diễn biến tình hình bão lũ, thiên tai, dịch bệnh COVID-19. Đảm bảo thực hiện 4 tại chỗ với công tác chỉ đạo, phương tiện, nhân lực, hậu cần được hoạt động một cách linh hoạt phù hợp với từng diễn biến thực tiễn.

Trường hợp có ca nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 thì tiến hành cách ly, điều tra, khoanh vùng, dập dịch theo quy định. 

2.2. Trong trường hợp phải sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi thiên tai đến điểm tránh trú an toàn cần thực hiện các nội dung cơ bản trong phòng chống dịch COVID-19 như sau: 

a) Yêu cầu đối với điểm tránh trú an toàn 

- Bố trí địa điểm tránh trú an toàn đủ rộng để đảm bảo khoảng cách an toàn phòng, chống dịch và thông thoáng. 

- Tại cửa ra/vào nơi người dân tránh trú cần bố trí dung dịch sát khuẩn tay khuẩn hoặc điểm rửa tay có xà phòng và nước sạch.

- Bố trí vị trí thùng/túi đựng rác đặt ở vị trí thuận lợi đi lại cho người dân, không quá gần đi qua phòng cách ly tạm thời, không bị ngập nước; thùng/túi đựng rác thải phải ghi rõ “Rác thải sinh hoạt” và “Rác thải y tế” và có nắp đậy. 

- Có khu vệ sinh nam riêng, nữ riêng đảm bảo thông thoáng (có quạt hoặc ô thông gió), có đủ nước sạch, xà phòng/nước rửa tay, nước khử khuẩn sàn... Bố trí nhà vệ sinh riêng cho những người nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 tại khư vực/phòng cách ly tạm thời.

- Bố trí phòng cách ly tạm thời riêng biệt, có lối đi riêng và có biển báo “KHU VỰC CÁCH LY”. Trong phòng cách ly tạm thời cần: bố trí chỗ nằm cho người được cách ly (các chỗ nằm phải cách nhau tối thiểu 1 mét hoặc được ngăn cách bằng vách ngăn hoặc màn che nhựa) bảo đảm giãn cách tốt nhất có thể, dung dịch sát khuẩn tay, găng tay, khẩu trang; bố trí thùng đựng rác thải có lót túi và nắp đậy, thùng đựng chất thải lây nhiễm phải được dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2”; trang bị có chổi, giẻ lau, xô và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn. Thiết lập lối đi riêng vào khu vực cách ly tạm thời hoặc có rào chắn để người dân và trẻ em không đi vào khu vực, bảo đảm cách ly với khu vực khác. 

- Khu vực lưu giữ tạm thời chất thải thông thường, chất thải y tế trong thời gian tránh trú cần được bố trí ở một khu vực nền cao thoát nước, có mái che, cách xa khu vực ở của người dân trong khu tránh trú. Trường hợp nơi lưu giữ chất thải tạm thời không có mái che cần để chất thải vào túi nilon không thấm nước và buộc chặt miệng túi. Bố trí các phương tiện, dụng cụ, túi thùng để thực hiện thu gom chất thải; khử khuẩn, vệ sinh môi trường...

b) Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong thực hiện sơ tán người dân

- Chuẩn bị phương tiện vận chuyển và thông báo, hỗ trợ người dân đến các điểm tránh trú đã được bố trí sẵn theo nguyên tắc cùng khu vực địa lý, hành chính; các đối tượng/hộ gia đình có cùng mức độ nguy cơ về dịch bệnh thì sẽ đi trên cùng phương tiện và ở cùng một khu vực được quản lý tại điểm tránh trú.

Trong điều kiện thời gian cho phép có thể tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhóm dân cư tại vùng có nguy cơ cao hoặc rất cao cần phải sơ tán: thực hiện test nhanh để tách trường hợp nghi ngờ nhiễm để vận chuyển về các khu vực cách ly riêng tại điểm tránh trú. 

- Đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong quá trình sơ tán, vận chuyển người dân đến nơi tránh trú (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, phân luồng người dân đến đúng vị trí được bố trí tại điểm tránh trú an toàn...).

- Tại các điểm tránh trú an toàn cần yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phải ở đúng các vị trí đã được quy định, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên và tuân thủ các hướng dẫn của lực lượng y tế hoặc lực lượng phòng, chống thiên tai tại địa phương tùy theo tình hình dịch bệnh. 

- Lập danh sách người dân tại các điểm tránh trú an toàn theo từng phòng hoặc từng khu vực (tên, tuổi, địa chỉ, điện thoại, thời gian đến điểm tránh trú, tình hình sức khỏe...). Bố trí, sắp xếp các đối tượng trong cùng hộ gia đình, cùng một khu vực, cùng mức độ nguy cơ ở trong cùng 1 phòng/khu vực để dễ dàng quản lý và kiểm soát. 

- Tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh, theo dõi khám sức khỏe và chuyển tuyến điều trị kịp thời cho người dân tại các điểm tránh trú an toàn trong thời gian sơ tán; Khám sàng lọc các trường hợp nguy cơ cao, nghi nhiễm (ho, sốt,...) để kịp thời phát hiện và cách ly người nhiễm SARS-CoV-2.

- Thực hiện quản lý, giám sát cách ly, điều trị hoặc chuyển tuyến đối với các trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 tại phòng cách ly tạm thời hoặc khu vực cách ly của người bệnh COVID-19; đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu cần thiết và bố trí sẵn ô tô/ phương tiện phù hợp để chuyên chở cần cách ly, điều trị tới khu cách ly, điều trị, chuyển tuyến khi cần. 

- Tổ chức trực bảo đảm y tế, phòng chống dịch 24/24 tại các địa điểm sơ tán, nơi tránh trú an toàn. 

c) Vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh 

- Quy định và hướng dẫn người dân bỏ rác đúng thùng/túi phân loại rác. Khẩu trang y tế đã qua sử dụng, khăn/giấy lau mũi miệng phải đựng trong thùng/túi đựng rác thải y tế, buộc chặt miệng túi, chờ khi nước rút đem đi thu gom và xử lý theo quy định.

- Đối với rác thải sinh hoạt được chôn tại các khu đất cao chưa ngập lụt. Hàng ngày đổ rác vào hố hoặc rãnh, rắc một lớp đất lên mặt rác. Đến khi đầy thì lấp đất, lèn chặt.

- Bố trí đầy đủ nhà tiêu cố định hoặc di động để thu gom và xử lý phân. Cung cấp đầy đủ xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay cho người dân.

- Đảm bảo cung cấp đủ nước sạch phục vụ cho hoạt động ăn uống, sinh hoạt của người dân tại khu tránh trú.

2.3. Xử lý các trường hợp tử vong do nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong thiên tai

- Bọc kín thi thể bằng túi đựng thi thể làm bằng vật liệu chống thấm, không trong suốt, chắc chắn, không dễ bị bục/thủng, thành túi có độ dày ≥ 150μm; khóa kéo phải kín và cố định chắc chắn bằng dây buộc hoặc băng dính. Trường hợp không có túi đựng thi thể, bọc kín thi thể bằng 02 lớp vải cotton dày, sau đó bọc kín thi thể bằng 02 lớp ni-lon; khử khuẩn bên ngoài lớp ni-lon thứ nhất bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính. Thực hiện tương tự với lớp ni-lon thứ hai.

- Khử khuẩn toàn bộ các bề mặt khu vực có người chết và các vật dụng có tiếp xúc với thi thể bằng dung dịch chứa 0,1% Clo hoạt tính; 

- Trong điều kiện cho phép, khuyến khích thực hiện hỏa táng đối với thi thể người chết do nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2. Trường hợp không thực hiện được hỏa táng, cần chôn cất thi thể ở khu vực riêng trong nghĩa trang của địa phương. Nếu nghĩa trang bị ngập nước thì phải chôn ở nơi đất cao do chính quyền địa phương bố trí và phải được đánh dấu. Trường hợp phải chôn ở nơi có nguy cơ ngập nước thì phải lèn hoặc buộc đá nặng để quan tài không bị nổi lên hoặc có thể cho vào bao ni lông và buộc ở trên cao chờ nước rút mới đem chôn. 

- Thu gom và xử lý chất thải phát sinh theo quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý chất thải y tế nguy hại.

3. Sau khi xảy ra thiên tai

a) Tổ chức rà soát tình hình sức khỏe người dân (thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, ho, sốt,...) để sàng lọc phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước khi rời điểm tránh trú an toàn.

 b) Đối với lực lượng tham gia phòng chống thiên tai: Xét nghiệm nhanh (Test kháng nguyên nhanh) hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (nếu có điều kiện) trước khi kết thúc nhiệm vụ. Tự theo dõi sức khỏe của bản thân, thực hiện đầy đủ 5K, nếu có các biểu hiện như: sốt, đau họng, khó thở, sổ mũi, đau đầu, thay đổi mùi vị, ho... thì báo cáo ngay cho người có thẩm quyền tại địa phương.

Trường hợp những người làm nhiệm vụ có nguy cơ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm SARS-CoV-2 tại các điểm tránh trú: Nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 07 ngày; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (02 lần) vào ngày đầu và ngày thứ 07 kể từ ngày trở về địa phương, nơi ở, nơi lưu trú; tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo. Nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liệu vắc xin phòng COVID-19 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (03 lần) vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày trở về địa phương, nơi ở, nơi lưu trú; tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày tiếp theo. 

c) Sắp xếp và bố trí phương tiện vận chuyển, hỗ trợ người dân rời điểm tránh trú về nhà hoặc khu vực được quản lý, cách ly an toàn theo nguyên tắc những người/hộ gia đình có cùng mức nguy cơ thì bố trí trên cùng phương tiện; nên thực hiện 5K trong quá trình di chuyển về nơi lưu trú ban đầu. Trường hợp các ca nghi nhiễm hoặc nhiễm SARS-CoV-2 cần bố trí sẵn ô tô/ phương tiện phù hợp để cách ly, chuyên chở từ nơi tránh trú an toàn về khu cách ly, khu điều trị.

d) Thực hiện vệ sinh môi trường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch: thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hoá chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực bị ngập sau khi nước rút. Tại các điểm tránh trú an toàn, sau khi người dân rời đi phải khử khuẩn toàn bộ diện tích trong điểm tránh trú an toàn và thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế theo quy định. 

e) Tổ chức tổng kết kết quả công tác bảo đảm phòng chống dịch, phòng chống thiên tai, đánh giá, rút kinh nghiệm để báo cáo cũng như có kế hoạch chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, sẵn sàng ứng phó với các trường hợp trong những tình huống thiên tiếp theo có thể xảy ra.

f) Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của địa phương tùy theo tình hình dịch bệnh./.

ThS Nguyễn Đào
Tin mới
Xem tin theo ngày